#10/06/2020

Nguyễn Minh

14/10/2000

Xem hồ sơ

Đu đủ đâm

Đu đủ đâm là món ăn có nguồn gốc từ gỏi đu đủ của người Campuchia. Tên của món này tại Việt Nam bắt nguồn từ việc dùng chày đâm đu đủ cùng các phụ liệu khác trong cối. Tại An Giang, đu đủ đâm vùng Tri Tôn đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết tới như một món ăn đặc sản của vùng này.

Nguyên liệu chính để làm món đu đủ đâm chính là đu đủ sắp chín. Lúc này, đu đủ đã có vị ngọt nhất định nhưng lại giữ được độ dai giòn để khi giã không bị nát cũng như khi ăn sẽ có cảm giác thú vị hơn. Khi khách gọi món, người bán sẽ bỏ đường, muối, bột ngọt, hành tím, ớt, tỏi và chanh vào cối giã cho đều, kế đến cho thêm đu đủ đã bào sợi vào và giã với ực nhẹ hơn để đu đủ không bị nát. Công việc này yêu cầu phải có kinh nghiệm và sự tỉ mỉ mới có thể hoàn thành món ăn mà vẫn giữ nguyên độ ngon cũng như sự dai giòn của đu đủ. Khi ăn gỏi bạn sẽ ăn với mắm ruốc hoặc mắm ba khía tùy vào chỗ bán và khẩu vị của các bạn. Ăn thử một miếng, ấn tượng đầu tên của các bạn sẽ là sự “sần sật” của những sợi đu đủ được đâm thấm với hương vị chua chua mặn mặn của chanh cùng các nguyên liệu khác. Vị ngọt nhẹ của đu đủ cùng vị mặn của mắm, có chút cay của ớt, chút thơm của rau, một ít béo của đậu phộng như hòa trộn vào nhau tạo nên một món ăn bạn khó có thể quên được khi ăn thử một lần.


Lẩu mắm Châu Đốc

Châu Đốc không chỉ là trọng điểm du lịch - thương mại An Giang mà đây còn là một nơi nổi tiếng với rất nhiều món ngon. Lẩu mắm Châu Đốc chính là một trong số những món ăn được các thực khách phương xa lựa chọn. 

Khi ăn lẩu mắm Châu Đốc bạn sẽ ngạc nhiên về các phụ liệu: 35 món rau và các món cá, tôm đi kèm. Các loại rau của lẩu mắm Châu Đốc là những loại rau dân dã, dễ tìm như điên điển, bắp chuối, cù nèo, so đũa,... Còn các loại thức ăn có đạm khác như là thịt, cá, tôm, mực cũng được cho vào làm nồi lẩu càng thêm hấp dẫn và đa dạng. 

Để nấu lẩu mắm, người nấu cần dùng tới các loại mắm - những đặc sản nổi tiếng được bày bán ở khắp nơi tại chợ Châu Đốc. Loại mắm phổ biến được dùng nấu nước lẩu chính là mắm cá linh. Mắm được chế biến kỹ và khi ăn bạn sẽ không cảm nhận được mùi tanh của mắm nữa, thay vào đó là độ sánh của nước lẩu vừa ăn, không mặn mà cũng không quá ngọt hòa quyện với các loại rau tươi xanh và các loại thịt khiến cho món lẩu càng thêm đặc biệt bởi độ ngon và sự đa dạng.


Xôi phồng Chợ Mới

Chợ Mới ngày nay là một huyện có dân số đông nhất tỉnh An Giang. Được bao bọc bởi ba nhánh sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, có các cù lao lớn và được phù sa bồi đắp quanh năm nên Chợ Mới có rất nhiều loại nông sản có giá trị mà tiêu biểu có thể kể đến là lúa nếp. Những hạt nếp Chợ Mới căng bóng lại dẻo thơm chính là nguyên liệu chính cho món xôi phồng đặc biệt tại nơi đây.

Nếp sau khi được hấp chín sẽ được quết nhuyễn chung với đậu bằng chày, sau đó cho vào khay cuốn tròn lại, bỏ lên chiên với dầu nóng trong chảo bằng gang cho xôi phồng lên. Xôi chiên xong sẽ phồng lên, căng tròn vàng ươm, cắt ra xôi mỏng, thơm nếp và có vị ngọt ngọt béo béo của đậu xanh. Xôi phồng có rất nhiều cách ăn, có thể ăn với nước tương, tương ớt hoặc là ăn không đều có vị ngon. Bạn cũng có thể ăn xôi phồng kèm với gà quay hoặc gà luộc sẽ làm tăng vị ngon và đặc biệt của món xôi này.


Lía Tân Châu

Lía là một loại món ăn được chế biến từ hến, một loại thủy sản không xa lạ gì với người dân miền Tây sông nước. Lía chính là món ăn do người Chăm chế ra, và Tân Châu có cộng đồng người Chăm sinh sống lâu đời nên lía được chế biến theo công thức của họ cũng được du khách đánh giá là ngon nhất tại An Giang.

Lía là loại thực phẩm có tính hàn, ăn có thể giải nhiệt mùa nóng. Những ngày nắng nóng, các nhà làm lía đặt mâm thiếc ra sân phơi. Lía 1 nắng còn ngậm nước, được tẩm ướp gia vị vừa giữ được vị ngọt thịt vừa thấm các gia vị. Lía khi ăn nên ăn lúc còn nóng mới ngon, ăn xong uống thêm ly hột é mủ gòn hay chai sâm lạnh, thế là bao nhiêu nóng nực đều bay đi hết. Khách đi đường hay những người bản xứ cũng hay ghé các hàng quán làm đĩa lía uống miếng nước rồi tiếp tục chuyến hành trình hay về nhà ngủ một giấc mát lành, vô cùng tuyệt vời. 


Bánh tằm bì Tân Châu

Bánh tằm bì Tân Châu là một món ngon khó có thể bỏ qua khi đến An Giang. Những sợi bánh tằm trắng tinh beo béo cùng các phụ liệu khác và nước cốt dừa ăn chung sẽ tạo nên vị ngon vô cùng đặc biệt và khó quên. 

Những sợi bánh tằm được làm từ các hạt gạo tẻ thượng hạng, ngâm qua vài đêm rồi đem xay. Bột sau khi xay được ngâm nước muối loãng và tiếp tục ngâm thêm 2 đêm nữa. Cuối cùng là hồ bột quyết định đến vị ngon của món này. Khi ăn, bánh tằm được gắp ra tô, chan nước cốt dừa béo ngậy lên, cho thêm bì, đồ chua, đậu phộng và một ít ớt. Gắp lên một đũa chấm với nước mắm chua cay, cho vào miệng bạn sẽ ngất ngây với sợi bánh tằm dai dai có sự béo béo của nước cốt dừa cùng vị hơi cay của ớt, mùi dưa chua thơm thơm và nước mắm chua cay làm cho các hương vị ấy càng khó quên hơn. Có dịp bạn hãy thử ăn bánh tằm bì Tân Châu nhé, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. 


Bò bảy món núi Sam

Núi Sam là ngọn núi nổi tiếng trong hệ thống Thất Sơn của An Giang. Nơi đây là điểm du lịch nổi tiếng cả về cảnh đẹp, du lịch tâm linh hay là ẩm thực. Tại núi Sam, món ăn được du khách yêu thích và tò mò nhất có lẽ là Bò bảy món. 

Bò bảy món núi Sam là một món ăn nổi tiếng với đa dạng các nguyên liệu và chế biến theo các cách khác nhau, mỗi món đều có vị ngon riêng biệt. Bảy món đó gồm lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khía bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết. Bò bảy món đặc biệt ở chỗ thịt bò vô cùng mềm mại. Đó là do khi chế biến, người ta sẽ chọn thịt bò tơ, đem thui cho thịt săn lại. Thịt bò thui lúc này còn cả da nên khi ăn có cảm giác mềm mại và vị ngọt thơm độc đáo. Mỗi một món trong Bò bảy món núi Sam đều được làm từ loại thịt bò tơ vô cùng mềm và ngon này, ăn kèm theo các phụ liệu đa dạng khác sẽ tạo nên sự đặc trưng riêng khó quên, khó trộn lẫn với bất kỳ món ăn nào từ thịt bò khác.


Ngoài các món ăn trên, các bạn có món ăn đặc sản nào của An Giang thì cùng chia sẻ với mọi người nhé!



Tìm kiếm BDS
quang cao quang cao