An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là một vùng đất huyền bí được du khách khắp nơi quan tâm đổ về với những hoạt động thờ cúng tâm linh đặc sắc, khung cảnh núi non hùng vĩ, sông nước lãng mạn, những nét văn hóa, bản sắc các dân tộc và giá trị lịch sử lâu đời hiện diện khắp nơi. An Giang còn thu hút du khách nhờ những món ăn đậm chất miền Tây sông nước cũng như mang những nét truyền thống của người dân nơi đây. Dưới đây chính là một số những món ăn được người dân An Giang ưa chuộng và bày bán để trưng ra những giá trị văn hóa của quê hương mình đến với du khách từ khắp mọi nơi.
Bún cá An Giang có lẽ là một món ăn mà nơi đây ai cũng yêu thích, và ngay cả những vị thực khách phương xa ghé qua cũng thường xuyên chọn bún cá làm bữa ăn sáng đầy mùi thơm cùng vị ngon đậm đà, dinh dưỡng.
Tô bún cá bốc khói nghi ngút có màu vàng ươm của nước luộc cá lóc đồng, bên trên là rau muống, rau răm, bông điên điển và bắp chuối. Ăn vào sẽ cảm nhận nước bún có vị ngọt thơm của cá lóc cộng thêm mùi rau sống, mùi giá trụng. Ngay bên cạnh có chén muối tiêu để chấm với miếng cá trắng nõn, beo béo, vừa mềm lại vừa thơm ngon đậm đà. Đúng là không phải đơn giản để bún cá được xem như là đặc trưng ẩm thực An Giang, các bạn nhỉ?
Long Xuyên là thành phố lớn của An Giang. Nơi đây là một đô thị phát triển với nhiều hình thức vui chơi, giải trí và ăn uống. Tại Long Xuyên, có một món ăn mà ở các con đường bạn sẽ dễ dàng bắt gặp: Cơm tấm. Đây là món ăn không chỉ nổi tiếng ngay tại thành phố này mà còn ở khắp các tỉnh khác, thậm chí ở Cần Thơ, ở Hậu Giang, hay là bất cứ đâu ở vùng Nam Bộ đều có nhiều quán bán loại cơm tấm mang tên Long Xuyên. Nhưng dĩ nhiên chuẩn vị nhất vẫn là ở “chính chủ”.
Cơm tấm ở đây là loại cơm tấm nhuyễn, khi nấu xong hạt cơm chỉ to bằng đầu chân cây nhang. Kèm theo các món nguyên liệu ăn kèm khác như đồ chua, sườn, bì và trứng, một số nơi còn có cả miếng chả hoặc trứng kho cắt nhỏ đặc trưng. Khi ăn, các bạn sẽ cảm thấy sự thơm, ngọt và nhuyễn của những hạt cơm nhỏ hòa quyện cùng sự mặn mặn ngọt ngọt của miếng thịt được cắt nhỏ với cách ướp đặc biệt trộn lẫn với đặc trưng mùi vị các nguyên liệu khác - sự dai dai của những sợi bì, mùi trứng kho cùng mùi đồ chua và nước mắm tỏi ớt sẽ cho bạn cảm giác khó quên khi ăn.
Bánh canh có lẽ không quá xa lạ với các bạn. Nhưng có lẽ ở một số vùng miền ngoài, khái niệm bánh canh ngọt còn khá mới mẻ, bởi đa số bánh canh được chế biến và ăn theo vị mặn. Tại An Giang, bánh canh đường thốt nốt chính là một món ăn ngon khó cưỡng và là món ăn ‘thần thánh’ với các tín đồ mê đồ ngọt.
Bánh canh đường thốt nốt được làm rất đơn giản với các nguyên liệu như bánh canh bột gạo, nước cốt dừa, và dĩ nhiên phải có đường thốt nốt - loại đường đặc biệt của An Giang. Sau khi sơ chế các nguyên liệu, người nấu sẽ bắc bếp lên, cho đường vào khuấy cho tan, sau đó mang bánh canh sợi bỏ vào nấu khoảng 3 phút cho ngấm đường, rồi lại cho thêm nước cốt dừa nấu chừng 5 phút với lửa liu riu là bạn có thể thưởng thức một chén bánh canh ngọt lịm của đường thốt nốt, những sợi bánh canh dai ngon ngập trong nước cốt dừa beo béo sẽ khiến bạn gục ngã ngay từ những muỗng đầu tiên nếu bạn ‘hảo ngọt’. Món ăn này không chỉ nổi tiếng tại An Giang mà còn ở khắp các nơi khác của Nam Bộ.
Hồ Ô Thum được xây dựng cách đây khoảng hơn chục năm với mục đích ngăn nước làm nông nghiệp. Hiện nay với cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ cùng không khí mát lành, hồ Ô Thum đang là một điểm check-in của khá nhiều bạn trẻ. Nhưng tại đây còn có một thứ lôi kéo sự tò mò của các phượt thủ - ẩm thực. Hệ thống nhà hàng tại hồ Ô Thum có rất nhiều món ăn những đặc biệt nhất vẫn là gà đốt.
Gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia. Món ăn này đặc biệt bởi gà được chế biến kỹ, khi ăn có mùi vị của sả và nước chấm lá chúc cũng là một thứ không thể thiếu. Gà được đốt là loại gà đồi, thịt săn chắc nhưng lại rất thơm, sau khi được sơ chế sẽ được ướp với sả, lá chúc và các nguyên liệu khác. Khách sẽ được phát cho các bao tay bằng nilon để xé gà ra từng mảnh nhỏ, vì khi đốt xong phục vụ sẽ mang lên là gà nguyên con hoặc nửa con nên muốn ăn phải chia nhỏ ra. Khi ăn bạn sẽ cảm thấy mùi thơm đậm đà trong từng miếng thịt gà dai dai, ăn kèm với tỏi nướng và nước chấm khiến món thịt càng có thêm hương vị.
Sầu đâu hay sầu đông, cây xoan là loại cây mọc rất nhiều ở An Giang. Món gỏi sầu đâu là món làm từ lá của loại cây này, cũng có nguồn gốc từ Campuchia, được ăn như một món rau trong bữa ăn hàng ngày, du nhập vào An Giang qua các gia đình người Khmer sinh sống tại đây, và dần dần, với hương vị đặc biệt của mình, gỏi sầu đâu đã trở thành một trong những món đặc sản được yêu thích tại An Giang.
Món gỏi này có mùi vị rất đặc biệt bởi có lá sầu đâu làm hương vị chính. Lá sầu đâu có vị ngọt ngọt nhưng lại hơi đắng, khi ăn gỏi sẽ ăn kèm với khô cá sặc và nước mắm và những món này hòa quyện lại với nhau tạo nên hương vị thật khó quên. Ngoài những nguyên liệu kể trên, gỏi sầu đâu còn có khóm, dưa leo và xoài sống trộn lại với nhau, khiến vị đắng của sầu đâu được dịu bớt và thay thế bằng vị ngọt thanh, khi ăn bên cạnh có thêm chai rượu nếp vừa ăn vừa nhâm nhi chắc chắn sẽ gợi cho bạn một cảm giác vừa dân dã, vừa tinh tế.
Câu ca “bò Châu Giang, kinh Vĩnh Tế” chính là câu hát ca ngợi món khô bò Châu Đốc, An Giang và công trình giao thông đường thủy Kênh Vĩnh Tế nổi tiếng. Khi đến Châu Đốc, ghé thăm các khu chợ, dù là hàng quán nào miễn bán thực phẩm chắc chắn sẽ có khô bò. Đây là một món ăn vặt vừa có thể nhâm nhi lúc buồn, ăn lúc nhậu nhẹt, hay là mua về làm quà cho người thân đều được. Bởi vì món ăn này có hương vị ‘không tầm thường’.
Khô bò được chế biến kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Người làm sẽ chọn những con bò chắc thịt, lóc phần thịt đùi trong của bò, sau đó sơ chế, tẩm ướp, phơi khô thủ công theo công thức riêng khiến cho món ăn có mùi vị ngon khó tả. Có ba loại khô bò với các vị giòn, dẻo hay cứng xốp tùy thuộc vào sở thích và cách ăn của mỗi người. Khô bò Châu Đốc đặc sắc với sự đa dạng về mùi vị, từ mặn, ngọt, chua cho đến cay tất cả đều được gói gọn trong từng miếng khô. Hơn nữa, khô bò cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và có thể bảo quản lâu nên được du khách yêu thích mua về ăn cũng như làm quà tặng rất thiết thực.
(Còn tiếp)