#15/06/2020

Nguyễn Tuân

20/01/1998

Xem hồ sơ

Được bao bọc bởi những con sông lớn, kênh rạch chằng chịt với những cánh rừng ngập mặn khổng lồ hay cảnh quan sông nước đặc sắc, miền Tây là một vùng đất nổi tiếng phía cuối Tổ quốc. Nơi đây là một trọng điểm du lịch sinh thái, du lịch sông nước, miệt vườn và là một vùng đất với những con người chất phác, nồng hậu, mến khách. Bên cạnh đó, miền Tây còn nổi tiếng với những nét văn hóa lâu đời, gắn bó với người dân miền sông nước và có nhiều điều thú vị gây tò mò cho nhiều người. Dưới đây là một số ví dụ điển hình về văn hóa người miền Tây, bạn hãy xem xem mình có phải người miền Tây không nhé? ^^

Miền Tây là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa

Miền Tây có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Nơi đây chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Óc Eo cổ đại. Kế đến, miền Tây còn có sự kết hợp của ba nền văn hóa khác cũng bắt nguồn từ văn hóa Óc Eo và du nhập nhiều nét hiện đại hơn là văn hóa Chăm, văn hóa Khmer và văn hóa Kinh. Chính điều này khiến cho miền Tây sông nước vừa có nét cổ điển, truyền thống từ lối sống, ăn mặc hay phong tục tập quán, vừa có nét hiện đại, năng động và độc đáo. 

Bằng chứng cho sự kết hợp những nét văn hóa này chính là những công trình như chùa chiền, đình đài, đền miếu với lối xây dựng theo lối kiến trúc Óc Eo xưa, thờ phụng những vị thần linh trong văn hóa Chăm, Khmer và được người Kinh chung tay góp sức xây dựng, củng cố các công trình này. 

Miền Tây là cái nôi của những câu dân ca, điệu hò Nam Bộ

Năm 1919, bài Dạ Cổ Hoài Lang được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác và đã trở thành nền móng cho sự phát triển của cải lương và vọng cổ Nam Bộ. Đã là người Nam Bộ, dù là người trẻ hay người già chắc chắn đều từng nghe qua những điệu cải lương thân thuộc, những câu hò ngọt lịm trên sông, những câu vọng cổ chứa đựng nhiều nỗi buồn quê hương hay tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc kết hợp như một bản hòa thanh diệu vợi của đờn ca tài tử. Với lối hát đặc trưng và có nhiều ý nghĩa về mặt ca từ, thêm vào đó những bài ca này đều chứa đựng những thói quen, nói về những điều đặc trưng dân dã của người dân Nam Bộ khiến cho loại hình âm nhạc này từng có một thời “hoàng kim thịnh trị” vang danh đến cả miền Trung và miền Bắc.

Ngày nay, các loại hình âm nhạc truyền thống này đang dần bớt phổ biến do sự chiếm lĩnh của âm nhạc hiện đại. Dù vậy thì những câu hát ầu ơ, những điệu hò, những câu dân ca hay tiếng đờn tính tịch tình tang vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim những con người miền Tây yêu văn hóa quê hương. 

Miền Tây là bức tranh làng quê với áo bà ba diệu hiền

Mỗi vùng miền đều có trang phục đặc trưng riêng, và miền Tây cũng vậy. Miền Tây nổi tiếng là vùng đất đầy nắng và gió, con người nơi đây chịu khó chịu cực nổi lên với hình ảnh chiếc áo bà ba, chiếc quần lanh đen, quấn khăn rằn và đội nón lá, một hình ảnh dân dã quen thuộc gợi lên những ký ức quê hương. Áo bà ba chính là một trong những chiếc áo truyền thống bên cạnh áo dài, áo tứ thân,... và là một loại áo từng rất phổ biến tại miền Tây. Chiếc áo này đã gắn liền với người dân nơi đây qua nhiều thế hệ và trở thành trang phục được ưa chuộng bởi cả nam và nữ. 

Áo bà ba là loại áo ngắn có tay dài và cổ tròn che xương cổ, được cài bằng 5 nút. Áo bà ba nam thường có hai túi áo to phía trước, còn áo bà ba nữ có hai túi áo nhỏ hơn. Đặc biệt, áo bà ba dù là màu sắc hay kiểu dáng nào đi chăng nữa đều được mặc cùng với chiếc quần màu đen dài chấm cổ chân hoặc mắt cá chân. Tuy vậy, việc phối đồ như vậy cũng không trở nên buồn cười mà ngược lại còn có tác dụng tôn lên nét đẹp truyền thống, gần gũi của chiếc áo bà ba, làm cho loại trang phục này trở nên đặc trưng và độc đáo hơn. 

Qua bao nhiêu thế hệ, chiếc áo bà ba truyền thống dần bớt xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây bởi sự thay thế của các loại quần áo hiện đại, hợp trào lưu khác. Tuy nhiên, chiếc áo bà ba vẫn còn xuất hiện trong những lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian hay các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Những chiếc áo bà ba cùng chiếc quần lanh đen, khăn rằn, nón lá đều cùng người dân Việt Nam trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt bảo vệ Tổ quốc, qua bao cuộc bể dâu và giờ đây đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa miền Tây khó quên với tất cả mọi người. 

Tập tục cúng kiếng, nghi thức cưới xin và văn hóa tâm linh miền Tây rất đa dạng

Miền Tây là một trong những vùng đất nổi tiếng về các thói quen, các tập tục về đời sống tâm linh vô cùng đặc sắc. Những ngày lễ cúng giỗ ông bà, Tết Thanh Minh, lễ Tảo Mộ, Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu hay những ngày lễ chạm ngõ, đám cưới hỏi,... mỗi một dịp sẽ có cách cúng kiếng riêng, các loại thức ăn trên mâm cúng cũng khác nhau, hoạt động tổ chức hay đến cả lời khấn vái, loại giấy tiền,... đều có sự thay đổi tùy vào yêu cầu của hoạt động đó. 

Đám cưới miền Tây chính là một trong những hoạt động được quan tâm bởi sự thú vị. Không như các nước phương Tây, việc cưới xin diễn ra sơ sài và miễn là tình yêu xuất phát từ hai trái tim là có thể tổ chức một lễ cưới hoành tráng. Tuy nhiên, người miền Tây muốn cưới vợ, cưới chồng cũng phải qua nhiều công đoạn. Nhà trai phải viết thư hoặc cử người đến hỏi xem nhà gái muốn những lễ vật gì, gọi là tục Thách cưới. Ngay đến cả khâu chọn lễ cưới, chọn người bưng mâm lễ vật, người bưng heo, người chủ hôn,... đều được chọn lựa kỹ càng nhờ vào sự tín nhiệm của cả gia đình hai bên thì mới có thể diễn ra lễ cưới. Cô dâu và chú rể trong suốt lễ cưới cũng phải ra mắt quan viên khách mời hai họ, đến từng bàn khách mời họ uống ly rượu mừng. Hơn nữa, chú rể còn phải học cách lạy tổ tiên theo tập tục người xưa khi sang nhà gái hỏi cưới. Tất cả các quy trình đều được truyền lại và diễn ra tại miền Tây qua nhiều thế hệ và đã trở thành những nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu. 

Văn hóa miền Tây chính là một di sản tinh thần mà con người nơi đây được truyền thụ lại từ ngàn xưa. Những nét văn hóa này cần phải được bảo tồn và ngày càng phát triển hơn nữa. Vậy, qua bài viết trên, bạn biết được bao nhiêu đặc điểm của văn hóa miền Tây?



Tìm kiếm BDS
quang cao quang cao