Thất Sơn An Giang là một trong những trọng điểm du lịch tâm linh lớn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi khung cảnh núi rừng rộng lớn, nền kiến trúc ẩm thực khổng lồ và đa dạng, bản sắc văn hóa lâu đời mà còn bởi hệ thống những đền đài, chùa chiền,... mang đậm nét tâm linh và ẩn chứa nhiều bí ẩn.
Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những khu thờ cúng lâu đời của An Giang. Nơi đây được người dân kính trọng và cúng kiếng hàng năm với nhiều dịp lễ lộc, hàng ngày nườm nượp những lượt người ghé đến dù là du khách trong nước hay nước ngoài. Sở dĩ miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng như vậy bởi sự linh thiêng, cầu được ước thấy bên cạnh lối kiến trúc đẹp mắt, vừa có thể cầu nguyện, vừa có thể chụp những bức ảnh đẹp và thưởng thức những món ăn ngon được bày bán xung quanh miếu.
Miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam, thuộc phường núi Sam, Châu Đốc, An Giang, Việt Nam. Miếu Bà Chúa Xứ nằm ở vị trí đắc địa - ngay dưới chân ngọn núi Sam nổi tiếng và cũng có các truyền thuyết xoay quanh vị trí tọa lạc của ngôi miếu.
Câu chuyện phổ biến được lưu truyền nhiều nhất qua các thế hệ là cách đây khoảng 200 năm, người dân núi Sam phát hiện tượng Bà trên đỉnh núi, lập tức tập trung mấy chục thanh niên trai tráng khỏe mạnh lên núi đưa tượng Bà xuống, nhưng dù cố sức đến mấy đều không thể xê dịch được bức tượng. Lúc này có một bà đồng nói chỉ cần 9 thiếu nữ đồng trinh lên khiêng là sẽ được. Quả thật, chỉ 9 người con gái đồng trinh lên đỉnh núi, tượng Bà lập tức được chuyển xuống nhanh chóng. Tuy nhiên, đến chân núi thì không thể khiêng đi tiếp được nữa. Người dân đã xem nơi đây chính là điểm Bà chọn làm nơi trú ngụ và bắt đầu xây dựng nên khu miếu lớn, thường xuyên thờ phụng với mong ước được bà phù hộ.
Có một câu chuyện khác về nơi Bà chọn để cư ngụ, đó là câu chuyện về ông Thoại Ngọc Hầu, một vị tướng đi đánh giặc, giữ gìn quê hương. Bà Châu Thị Tế, vợ chính thất của ông đã khấn vái Bà Chúa Xứ giúp ông đánh giặc có thể giữ được bờ cõi, vang danh trở về. Ông Thoại Ngọc Hầu sau khi đại thắng hồi hương đã cho người thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về thờ phụng và chọn ngày 24/4 Âm lịch là ngày Lễ Bà. Từ đó đến nay, ngôi miếu đã trở thành một biểu tượng tâm linh to lớn cho cả người dân nơi đây lẫn du khách.
Ngày trước, dù được xây dựng cũng khang trang nhưng chỉ là bằng tre và lá, phần lưng miếu quay về phía vách núi, phần mặt tiền xoay về hướng Tây Bắc, nhìn ra con đường làng. Từ khi thành lập đến nay, miếu Bà được tu sửa nhiều lần nhưng có hai lần đại trùng tu nổi tiếng. Lần đầu tiên là năm 1870, miếu Bà được người dân tu sửa lại bằng gạch hồ ô dước - loại gạch nổi tiếng bền chắc vô song chuyên dùng xây các lăng mộ cổ của Việt Nam. Lần thứ hai là vào năm 1972, miếu Bà được Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng, hai kiến trúc sư nổi tiếng thời bấy giờ chỉnh sửa và xây dựng nên ngôi miếu to lớn, lộng lẫy như ngày nay, và quá trình xây dựng lại ngôi miếu tốn mất 4 năm, hoàn thành vào năm 1976.
Miếu Bà có bố cục kiểu chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Những cánh cửa trong miếu cũng được chạm trổ tinh tế, đẹp đẽ vừa cổ kính vừa đậm nét thờ cúng tâm linh.
Bên trong miếu, tượng Bà nằm ở chánh điện nổi bật lên với ánh vàng kim lấp lánh, ngày đêm nhang khói nghi ngút của những tín đồ ghé qua viếng bà. Lối kiến trúc bên trong cũng như tượng Bà mang nét đẹp của nghệ thuật Ấn Độ, xung quanh chạm trổ phượng long, liễn đối, hoành phi cũng được dát ánh vàng nổi bật. Phía trước tượng Bà là bàn thờ Hội đồng, hai bên là Tiền hiền và Hậu hiền. Phía bên trái là bàn thờ Cậu đặt một Linga, một loại tượng đá trong văn hóa Champa, cao 1,2m. Bàn thờ Cô đặt phía bên phải, là một bức tượng thờ bằng gỗ hình nữ thần.
Bức tượng Bà ngoài những truyền thuyết kể trên thì còn có câu chuyện khác cũng nổi tiếng không kém. Những năm 1820 - 1825, quân Xiêm (Thái Lan) sang quấy phá nước ta. Chúng đuổi dân ta chạy lên đỉnh núi Sam, lúc này chúng gặp được tượng Bà và có ý định khiêng tượng Bà xuống núi. Tuy nhiên dù gắng sức chúng cũng không thể, có một tên trong số đó đã làm gãy cánh tay tượng và ngay lập tức hắn bị báo ứng. Từ đó, tượng Bà được người dân khắp nơi tôn kính, thờ cúng nhằm mục đích cầu bình an, cầu mùa màng thuận lợi và làm ăn phát đạt.
Theo các nhà khảo cổ Sơn Nam, tượng Bà Chúa Xứ là một bức tượng Phật cổ do người Khmer xưa khi di chuyển đã bỏ lại. Đây được cho là một pho tượng có giới tính Nam được người Việt mang về tô vẽ thành bức tượng Bà Chúa Xứ. Các nhà khảo cổ Pháp cũng cho rằng đây là một bức tượng Vishnu (nam thần) thuộc nền văn hóa Óc Eo được tạc từ cuối thế kỷ thứ VI. Năm 2009, tượng Bà được ghi vào sách Kỷ lục An Giang là bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất.
Vào mỗi dịp Tết hay các ngày lễ, miếu Bà Chúa Xứ lại thu hút đông đúc lượng khách từ khắp mọi nơi đổ về thờ cúng, dâng hương, dâng lễ vật nhằm cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, suôn sẻ. Đây là công trình thể hiện gián tiếp tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Các câu chuyện linh thiêng về miếu Bà Chúa Xứ cũng được lưu truyền rộng rãi và là nhân tố khiến cho miếu Bà thu hút hơn 3 triệu lượt khách viếng thăm mỗi năm.
Khuôn viên nơi đây vô cùng rộng lớn với sức chứa lên tới hàng ngàn du khách. Ngoài những công trình kiến trúc thì các cây cổ thụ to lớn xung quanh khuôn viên ngày đêm vươn những cánh tay che bóng mát lại càng khiến cho nơi đây thêm phần cổ kính và huyền bí. Sau khi thắp nhang, dâng lễ, các bạn có thể leo lên những đỉnh tháp, ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn, gió thổi lồng lộng cùng view nhìn về một góc của An Giang, phía xa xa là những dãy núi của Thất Sơn vĩ đại. Về đêm, khi khu miếu lên đèn, nơi đây càng lộng lẫy hơn với ánh đèn lấp lánh đủ các màu sắc cùng sự ra vào nườm nượp của du khách ghé thăm.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một dịp lễ hội lớn thu hút sự đổ về của người dân An Giang cũng như các vị khách vãng lai từ nơi khác ghé qua miếu để thực hiện những hoạt động thờ cúng cũng như trải nghiệm văn hóa tâm linh An Giang. Dịp lễ này diễn ra từ ngày 24 đến 27/4 Âm lịch hàng năm với ngày Vía chính là ngày 25 tạo nên cho nơi đây sự nô nức, đông đúc du khách, khói nhang nghi ngút và lễ vật bày biện đầy khắp nơi. Bên cạnh đó, lễ hội này còn có các hoạt động thú vị như hát bội, đánh cờ, múa lân, múa võ, ca nhạc ngũ âm,... Năm 2015, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, An Giang hiện không chỉ là một địa điểm thờ cúng, du lịch tâm linh to lớn mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Nơi đây là một địa điểm đáng cho bạn phải ghé qua khi viếng thăm vùng đất thần bí Thất Sơn, và dĩ nhiên bạn sẽ có những trải nghiệm thật thú vị và khó quên.
#27/12/2022
Võ Văn Thành
27/12/2022
Xem hồ sơ