Sóc Trăng là một trong những tỉnh có lịch sử lâu đời gắn liền với những nét văn hóa Khmer và là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với hệ thống chùa chiền vô cùng nổi tiếng. Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa cổ có những câu chuyện, những điều bí ẩn từ lâu đã đi vào đời sống tâm linh mang những nét tín ngưỡng đặc trưng của người dân Sóc Trăng.
Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc (Chùa Mahatup) nằm ở đường Văn Ngọc Chính, phường 3, Thành phố Sóc Trăng.
Nơi đây được gọi là chùa Dơi bởi vì đây là nơi đổ về của bầy đàn dơi khổng lồ. Buổi chiều tà, khi hoàng hôn đang dần buông xuống, bạn sẽ thấy rất nhiều dơi bay trên nóc chùa. Dần dần, hình ảnh này dường như đã gắn liền với ngôi chùa nên người dân nơi đây cũng như các khách du lịch đặt cho ngôi chùa này là chùa Dơi.
Chùa Dơi là một ngôi chùa có niên đại 400 năm. Được khởi công xây dựng vào năm 1569. Đây chính là điểm duy nhất của nền văn hóa Khmer tại Sóc Trăng tôn thờ Phật Thích Ca. Lúc mới được xây dựng, chính điện của ngôi chùa được làm nên bằng tre lá, dần dần mới được sửa lại bằng gạch và mái ngói. Mãi tận đến năm 1960 thì ngôi chùa mới được đại trùng tu xây dựng thêm nhiều phần khác.
Năm 2008, ngôi chùa bị cháy khu vực chánh điện. Một năm sau, ngôi chùa đã được phục chế lại như ban đầu. Đã trải qua nhiều năm lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính và nổi bật lối kiến trúc của văn hóa Khmer. Dần dần, ngôi chùa này được các du khách từ khắp nơi biết đến và ghé thăm, cúng kiếng cũng như check-in bởi vẻ đẹp tâm linh độc đáo.
Năm 1999, ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Dơi nổi tiếng với truyền thuyết về heo 5 móng. Khi vào chùa, bạn sẽ nhìn thấy nhiều ngôi mộ kỳ lạ, trên mỗi ngôi mộ để hình một chú heo có 5 móng thay vì 3 móng như heo bình thường. Đây là những chú heo được các nhà sư nuôi dưỡng trong chùa cho đến khi chết và được chôn ngay tại chùa.
Theo quan niệm của người xưa, heo 5 móng chính là “cốt tinh” của con người. Gia đình nào nếu nuôi con heo có 5 móng sẽ gặp nhiều bất hạnh, bị heo thành tinh quấy phá. Chính vì vậy, những gia đình có heo 5 móng sẽ mang vào chùa cho những sư thầy tại đây nuôi nấng để tránh tai họa vào nhà. Vì vậy, câu chuyện về những chú heo 5 móng được chôn tại chùa cũng từ đó mà ra.
Chùa Dơi là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Khmer. Bên trong chùa có phân ra các không gian khác nhau như chính điện, khu nhà hội, phòng ở của các sư sãi và tín đồ, tháp tro, phòng khách,... với tổng diện tích khuôn viên khoảng 04 hecta.
Chùa Dơi chính là một ngôi chùa có lối kiến trúc lấy màu vàng chủ đạo của người Khmer nhưng có thờ Phật Thích Ca. Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.
Mái chùa được lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Tại chánh điện có các hàng cột đỡ chắc chắn, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực…
Nhìn tổng thể, ngôi chính điện cùng với các không gian khác của chùa đều kết hợp với nhau một cách hài hòa với kiểu kiến trúc đồng nhất mang đặc trưng văn hóa Khmer, nổi bật bởi những chi tiết uyển chuyển, huyền bí, vừa có giá trị tâm linh, vừa có giá trị nghệ thuật hơn nữa là có những sự giao thoa văn hóa giữa ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa.
Ngôi chùa được bao quanh bởi nhiều cây cối này chính là địa điểm được xem như “nhà” của những bầy dơi. Những tán cây cổ thụ to lớn, được săn sóc bởi bàn tay của các vị sư đã trở thành nơi “treo mình” của những loài dơi hoang dã. Vào độ tháng tư, dơi thay màu lông nên bắt đầu quay về chùa, chuẩn bị cho một kỳ sinh sản mới. Do đặc trưng về cách sống và sinh con, dơi không làm tổ mà treo ngược mình trên cây như những loại quả lạ mà chỉ có chùa Dơi mới có.
Không ai tính được có bao nhiêu dơi tại chùa. Theo phỏng đoán của người dân nơi đây, chùa Dơi hiện có khoảng hơn vài chục nghìn con khiến cho ngôi chùa những mùa dơi về vô cùng nhộn nhịp. Các buổi chiều, dơi bay trên nóc chùa, tiếng dơi đập cánh, gọi đàn khẩn trương không khỏi khiến ta liên tưởng tới đàn dơi quanh lâu đài Dracula bí ẩn của châu Âu, nhưng các chú dơi ở đây rất hiền lành và không hút máu như vậy đâu. Dơi ở đây chỉ ăn trái cây mà thôi. Đặc biệt hơn nữa, dơi không ăn trái cây tại chùa hoặc các vùng lân cận. Khi kiếm ăn, dơi sẽ bay đi rất xa, chính điều này khiến cho người dân nơi đây tin rằng dơi sống tại chùa Dơi có linh tính và khiến nơi đây càng có thêm sự huyền bí và tôn kính từ tất cả mọi người, dù là dân địa phương hay khách viếng thăm chùa.
Hiện nay, chùa Dơi đang là một trong những điểm viếng thăm mang đậm tính tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo. Những công trình kiến trúc nơi đây hay đàn dơi bí ẩn đều sẽ là gây tò mò cho du khách và khiến chúng ta khi viếng thăm chùa sẽ có những trải nghiệm thật thú vị.